Tôi may mắn được là thành viên của gia đình Khoa Thủy sản – Trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM với vai trò của một sinh viên và giảng viên. Ở đây, tôi đã có những Thầy Cô đáng kính, những người bạn thân thiết và những học trò đáng yêu.
Năm 1973, tôi trở thành sinh viên Ngành Canh nông của Học viện Quốc gia Nông nghiệp. Năm 1974, Học viện được đổi tên thành Đại học Nông nghiệp Sài Gòn thuộc Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức. Cùng năm 1974, chuyên ngành Ngư nghiệp được nâng cấp thành ngành đào tạo, tương đương với các ngành truyền thống khác của trường là Canh nông, Súc khoa và Lâm nghiệp. Từ nay, Ngành Ngư nghiệp được phép tuyển sinh ngay năm thứ nhất thay vì chỉ tiếp nhận các sinh viên đã kết thúc năm thứ hai của các ngành Canh nông và Súc khoa như trước đây. Sau khi kết thúc năm thứ nhất, tôi và một số bạn của các ngành Canh nông và Súc khoa nộp đơn xin chuyển sang Ngành Ngư nghiệp và được chấp thuận. Sau ngày đất nước thống nhất, Ngành Ngư Nghiệp được đổi tên thành Khoa Thủy Sản và lần lượt là thành viên của Trường Đại học Nông nghiệp 4 (trực thuộc Bộ Nông Nghiệp, năm 1975), Trường Đại học Nông Lâm Nghiệp (trên cơ sở sát nhập hai Trường Đại học Nông nghiệp 4 và Trường Cao đẳng Lâm nghiệp, năm 1985), Trường Đại học Nông Lâm (thành viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1995) và Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh (trực thuộc Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, từ năm 2000 đến nay).
Về những người Thầy
Là một ngành đào tạo mới, giảng viên cơ hữu của Ngành Ngư nghiệp còn thiếu nên có nhiều giáo sư thỉnh giảng từ các viện trường, cơ quan quản lý và doanh nghiệp tham gia giảng dạy. Tôi và các bạn đồng học bắt đầu làm quen với ngành nghề qua các môn học như Ngư nghiệp nhập môn của GS Ngô Bá Thành, Hải dương học của GS Lê Văn Phong, Ngư loại học của GS Lâm Hoài Thông, Hóa học thủy sản của GS Dương Đình Học, Dưỡng ngư của GS Lê Văn Đằng, Kỹ nghệ lạnh của GS Nguyễn Thành Ngưu, Phiêu sinh động của GS Hoàng Quốc Trương, Thủy sinh thực của GS Nguyễn Thanh Tùng, v.v. Mỗi thầy có một phong cách khác nhau khi lên lớp: GS Ngô Bá Thành và GS Lê Văn Đằng thì đầy chất nghệ sĩ, GS Lê Văn Phong và GS Lâm Hoài Thông lại đậm chất thư sinh, GS Hoàng Quốc Trương và GS Nguyễn Thanh Tùng thì đầy chất mô phạm, GS Nguyễn Thành Ngưu lại có chất nông dân,… nhưng tất cả đều nhiệt tình và thân thiện. Tuy nhiên, giữa thầy và trò vẫn có những khoảng cách nhất định.
Sau ngày đất nước thống nhất, ngoài một số giảng viên cơ hữu tiếp tục ở lại với sự nghiệp đào tạo, Khoa Thủy sản (tên mới của Ngành Ngư nghiệp) tiếp nhận nhiều giảng viên được chi viện từ các viện trường ở miền Bắc. Chúng tôi vui mừng khi được quay lại giảng đường sau gần 2 năm tham gia các hoạt động phục vụ sản xuất. Từ 40 sinh viên ban đầu, lúc này lớp chúng tôi chỉ còn lại 24 người. Chúng tôi phải học lại một số môn đã học trước đây nhưng chưa kịp thi hết môn (Thống kê sinh học của Thầy Lê Văn Ký, Phiêu sinh động của Thầy Hoàng Quốc Trương, Thủy sinh thực của Thầy Nguyễn Thanh Tùng); học những môn học mới với những thầy cô cũ (Chế biến thủy sản với Thầy Ngô Bá Thành, Khai thác với Thầy Lê Văn Phong, Kỹ thuật nuôi cá với Cô Trần Thị Túy Hoa, Công trình với Thầy Phạm Chí Thành, Phân loại cá với Thầy Nguyễn Văn Thiện) và học những môn học mới với những thầy cô mới (Ương cá với Thầy Hồ Thanh Hoàng, Sinh lý cá với Thầy Trần Thanh Xuân, Sản xuất giống cá với Thầy Nguyễn Tường Anh, Thủy hóa với Cô Ngô Tử Khánh, Bệnh cá với Cô Nguyễn Lan Phương).
Có lẽ khó khăn vào những ngày đầu giải phóng đã làm cho các thầy cô và sinh viên trở nên gần gũi hơn. Đặc biệt, các sinh viên có điều kiện học và tham gia thực tập giáo trình với BS Ngô Bá Thành đều không quên được sự thân thiện và ân cần chăm sóc của Thầy. Với tư cách Trưởng đoàn, BS Ngô Bá Thành cùng các đồng nghiệp trong bộ môn đã xây dựng kế hoạch và kiểm tra cẩn thận từng chi tiết công tác chuẩn bị, từ nội dung thực tập đến di chuyển, hậu cần,… để đợt thực tập diễn ra tốt đẹp và an toàn. Dù chỉ tham quan nhà xưởng sản xuất, BS Ngô Bá Thành cũng luôn đòi hỏi sinh viên có một thái độ học tập nghiêm túc như trên lớp học. Tuy nhiên, sau những giờ làm việc và học tập căng thẳng là những lúc nghỉ ngơi và vui đùa thoải mái như không có khoảng cách giữa Thầy và các sinh viên.
Có đôi chút e ngại của sinh viên đối với những thầy cô mới nhưng bằng sự giản dị và dễ gần đã làm cho khoảng cách giữa các thầy cô và sinh viên nhanh chóng được xóa bỏ. Các thầy cô luôn quan tâm đến đời sống và điều kiện học tập của sinh viên thông qua vai trò giáo viên chủ nhiệm. Các thầy cô đã cùng ăn và cùng ở với sinh viên khi có dịp như trong những đợt thực tập giáo trình. Với vai trò Trưởng khoa, Thầy Hồ Thanh Hoàng đã nhiều lần đi thăm việc ăn ở và học hành của các sinh viên của khoa ở ký túc xá. Một số thầy cô không làm việc trong môi trường giáo dục nhưng đã có những nỗ lực để thích ứng với nhiệm vụ mới thông qua các bài giảng sinh động và thực tiễn. Ngoài kiến thức, tôi đã học được nhiều điều từ các thầy cô: sự bao dung từ Thầy Hồ Thanh Hoàng, sự chỉn chu trong giảng dạy từ Thầy Trần Thanh Xuân, sự nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học từ Thầy Nguyễn Tường Anh,… Các thầy cô đã là những tấm gương mẫu mực cho nhiều thế hệ sinh viên đã học tập ở Khoa Thủy sản.
Sau khi tốt nghiệp vào năm 1979, tôi vinh dự được trở thành giảng viên của Khoa Thủy sản Trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM (KTS). Tiếp nối sự nghiệp trồng người của các thầy cô, tôi cùng các đồng nghiệp đã tham gia đào tạo nhiều khóa sinh viên cho đến ngày về hưu vào năm 2015.
Về những người học trò
1) Trong số các học trò, có một người mang lại cho tôi nhiều tình cảm trái ngược nhau – Nguyễn Tuấn Dũng (K.16). Ở năm học cuối, Dũng làm đề tài tốt nghiệp do tôi hướng dẫn. Sau khi bảo vệ luận văn tốt nghiệp với điểm xuất sắc, Dũng và hai bạn đồng khóa được giữ lại khoa để làm giảng viên. Thuở ấy, được trở thành giảng viên là niềm vinh dự cho nhiều sinh viên. Là một người thầy và cũng là đồng hương, tôi vui và mừng cho Dũng cũng như KTS vì tin rằng bạn ấy sẽ có nhiều đóng góp cho sự phát triển của khoa sau này. Lúc ấy, tôi đang là Quản lý của Chương trình Mở rộng Thủy sản (Aqua Outreach Programme) nhằm phát triển nuôi thủy sản qui mô nông hộ nhỏ và tăng cường năng lực KTS. Chương trình này được tài trợ bởi SIDA và DANIDA thông qua Viện Công nghệ Á châu (AIT). Hằng năm đều có giảng viên của khoa được nhận học bổng của Chương trình để học cao học (MSc.) Nuôi trồng thủy sản tại AIT. Chỉ sau một năm ở lại khoa, Dũng đã được ưu tiên chọn để nộp hồ sơ đi học ở AIT. Đáp ứng các tiêu chuẩn, Dũng đã được AIT chấp thuận cấp học bổng để học MSc. Tuy nhiên, sau đó AIT thông báo cho khoa là không thấy Dũng đến làm hồ sơ nhập học. Tôi không liên lạc được với Dũng để tìm hiểu nguyên nhân. Thông qua một số bạn đồng học, tôi được biết Dũng đã nhận công việc phụ trách mảng xuất khẩu thủy sản của một công ty nước ngoài. Điều này làm tôi buồn, khá hụt hẫng và luôn tìm câu trả lời cho quyết định lạ lùng của Dũng. Có vài dịp tình cờ gặp lại Dũng sau đó, tuy còn ngần ngại nhưng qua những lời thăm hỏi về công việc hiện tại và gia đình, tôi đã dần có được câu trả lời cho việc Dũng từ bỏ học bổng đi học ở AIT và vị trí giảng viên mà Dũng yêu thích. Gánh nặng phải lo kinh tế của người con và người anh trong gia đình đã khiến cho Dũng có một quyết định không dễ dàng là chọn làm việc cho công ty nước ngoài với thu nhập cao hơn rất nhiều so với đồng lương ít ỏi của một giảng viên đại học. Sự chọn lựa của Dũng vào thời điểm đó là có thể hiểu và thông cảm được.
Với những kinh nghiệm có được sau một thời gian làm việc cho công ty nước ngoài, Dũng đã mạnh dạn thành lập công ty riêng cho mình: Dentifoods. Là người đến sau và khởi nghiệp trong một môi trường có nhiều cạnh tranh, Dũng đã chọn cho mình lối đi riêng, không giống với những nhà xuất khẩu thủy sản truyền thống. Dentifoods không đầu tư xây dựng nhà máy chế biến đòi hỏi vốn đầu tư lớn mà thuê nhà xưởng của các công ty khác để làm các mặt hàng thủy sản xuất khẩu. Dũng đã chọn mua nguyên liệu từ các trại nuôi tôm đạt chứng nhận ASC để chế biến các mặt hàng có giá trị gia tăng. Các mặt hàng này đáp ứng các tiêu chí khắt khe của Châu Âu để được bán trong các siêu thị của các nước nhập khẩu. Dũng cũng đã đi đến các nước có nghề nuôi tôm phát triển như Ấn Độ để tìm nguồn nguyên liệu cho công ty. Song song với xuất khẩu, Dentifoods còn nhập nhiều sản phẩm thủy sản và thực phẩm để tiêu thụ trong nước. Mỗi năm gặp nhau ở các buổi họp mặt truyền thống của KTS, tôi lại được Dũng cho biết về một sự phát triển mới của công ty. Ngày nay, Dentifoods đã xây dựng được một hệ thống sản xuất hoàn chỉnh và một hệ thống tiêu thụ rộng ở các thành phố lớn. Dentifoods đã là một doanh nghiệp thành công và là một thành viên có uy tín của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).
Tuy bận rộn với hoạt động kinh doanh nhưng Dũng luôn hướng về KTS, nơi mình đã được đào tạo, với các đóng góp thầm lặng và thiết thực khi cần. Dũng đã có những buổi seminar về tình hình xuất khẩu thủy sản và chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh của mình cho các sinh viên đang theo học tại khoa. Là một trong những người đồng sáng lập, Dũng đã tham gia Ban đại diện Hội cựu giảng viên-cựu sinh viên KTS ngay từ những ngày đầu (năm 2011). Cùng với các thành viên khác, Dũng đã tích cực vận động gây quỹ hỗ trợ các hoạt động phát triển của KTS. Hàng năm, Dentifoods đều đóng góp những suất học bổng giá trị cho các sinh viên KTS có hoàn cảnh khó khăn nhưng có nhiều nỗ lực trong học tập. Đó là tấm lòng của một người đi trước đối với thế hệ đi sau.
Với những gì đã biết về Dũng, tôi không ngạc nhiên về sự thành công của Dentifoods như hiện nay. Tôi mừng vì Dũng đã làm tròn vai trò của người con và người anh trong gia đình. Tôi cũng trân trọng tấm lòng của Dũng đối với KTS và tự hào về người học trò cũ này của mình.
2) Thuở còn đi dạy, tôi thường lên mạng tìm kiếm tài liệu bổ sung cho các bài giảng của mình. Một lần tình cờ tôi tìm đến trang web có tên rất ngộ nghĩnh và dễ thương: Tepbac. Điều làm tôi ngạc nhiên vì đây là một trong những trang web tiếng Việt hiếm hoi chuyên về thủy sản lúc bấy giờ. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn nữa là ngoài những bản tin về hoạt động hay kết quả nghiên cứu khoa học thủy sản được trích từ các nguồn báo chí hay các viện trường, trang web Tepbac còn có một ‘thư viện’ với nhiều tài liệu khá phong phú và đa dạng – bài giảng, giáo trình, luận văn tốt nghiệp, sách kỹ thuật – phần lớn là tiếng Việt. Một điều thú vị là trang web đã tập hợp được hầu hết các bài giảng và giáo trình mới nhất của các giảng viên trong ngành khắp cả nước. Bằng cách nào mà trang web có được các tài liệu này, cho đến bây giờ tôi vẫn chưa rõ, nhưng chắc phải có một nỗ lực to lớn. Độc giả có thể tải các tài liệu này một cách miễn phí và không giới hạn trong khi nhiều trang web khác đòi hỏi độc giả phải trả phí. Điều này khiến tôi cảm nhận được mong muốn phục vụ và cống hiến của trang web Tepbac.
Từ các cựu sinh viên, tôi được biết trang web Tepbac do một cựu sinh viên của Khoa Thủy Sản – Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh (KTS) sáng lập và quản trị. Tên của người sáng lập trang web Tepbac, Trần Duy Phong (Cựu SV K.31), thực sự không giúp tôi nhớ được nhiều điều về người cựu sinh viên này. Khác với các cựu sinh viên của KTS, một người được đào tạo về kỹ thuật chuyên môn nhưng lại đi vào con đường công nghệ thông tin – dù vẫn trong ngành – khiến tôi tò mò lẫn thích thú. Từ đó tôi thường xuyên vào trang web Tepbac, không phải để tìm thông tin mà đơn giản chỉ để xem trang web này phát triển ra sao. Thật ngạc nhiên là Tepbac đã có những bước phát triển rõ rệt và nhanh chóng theo thời gian: thông tin kỹ thuật đa dạng hơn, bao gồm nhiều khía cạnh của sản xuất, và tiếp cận tốt hơn với các tiến bộ kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản trong và ngoài nước. Ngoài những bản tin cập nhật về sản xuất trích từ các nguồn báo chí trong nước, đã xuất hiện các bài viết chuyên đề về kỹ thuật nuôi thủy sản của các chuyên gia uy tín trong ngành.
Rồi cũng đến ngày tôi được gặp lại người cựu sinh viên mà từ lâu tôi đã có sự yêu mến. Dịp ấy, tôi được KTS mời tham gia một dự án quốc tế với vai trò cố vấn. Một trong những sản phẩm của dự án là xây dựng trang web “Diễn đàn Công nghệ và Đổi mới Nuôi trồng Thủy sản Việt Nam – VINATiP”. Vì đã có cảm tình với trang web Tepbac, tôi đã gọi cho Phong để nhờ thiết kế trang web VINATiP. Bạn ấy vui vẻ nhận lời ngay. Thế rồi chúng tôi có một buổi gặp mặt để bàn thêm chi tiết. Ấn tượng của tôi về Phong trong lần đầu tiên gặp lại: một người dễ mến, đáng tin cậy và có nhiều năng lượng. Qua trao đổi cho thấy bạn ấy là một người rất thông minh, giỏi về công nghệ thông tin và có nhiều ấp ủ để phát triển Tepbac nhằm đóng góp nhiều hơn cho nghề nuôi thủy sản. Chẳng bao lâu trang web VINATiP đã được thiết kế và bàn giao với chất lượng như dự án yêu cầu. Từ đó, chúng tôi hay gặp nhau để uống cà phê và nói chuyện về nhiều vấn đề và thách thức của nuôi trồng thủy sản Việt Nam như sử dụng kháng sinh, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận,… Phong cho tôi biết về kế hoạch phát triển Tepbac trong tương lai để hỗ trợ một cách tích cực cho người nuôi thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng. Thế rồi Tepbac đã từng bước xây dựng đội ngũ nhân lực kỹ thuật riêng và mở rộng mạng lưới cộng tác viên có trình độ. Trên trang web Tepbac xuất hiện ngày càng nhiều bài viết chuyên sâu và cập nhật về các giải pháp kỹ thuật trong nuôi tôm như quản lý môi trường nuôi, phương pháp cho ăn và quản lý thức ăn, tăng cường sức đề kháng và phòng bệnh,… Để đóng góp lớn hơn cho nghề nuôi thủy sản, Tepbac đã phát triển thành công ty.
Ổn định các yếu tố môi trường nuôi đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của nuôi tôm. Tepbac đã nghiên cứu phát triển và sản xuất các thiết bị đo các yếu tố môi trường tự động với chi phí rẻ hơn nhiều so với các thiết bị nhập khẩu. Cùng với các thiết bị đo, Tepbac đã phát triển ứng dụng Farmext cho các dòng điện thoại thông minh, có thể kết nối với các thiết bị đo môi trường, cho ăn,… để điều khiển vận hành các quạt nước, máy cho ăn,… từ xa. Ứng dụng Farmext còn có những tính năng như dự báo biến động các yếu tố môi trường ao nuôi, tính toán lượng thức ăn, thuốc và hóa chất đã sử dụng, dự kiến thời điểm thu hoạch,… Như vậy, Farmext được xem như một nhật ký nuôi tôm, có thể giúp cung cấp thông tin của quá trình nuôi cho đánh giá và chứng nhận các thực hành nuôi tốt và giúp truy xuất hoạt động nuôi nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tôm xuất khẩu. Công ty Tepbac còn xây dựng các phòng phân tích chất lượng nước ở các vùng nuôi trọng điểm để hỗ trợ người nuôi.
Nhận thấy hoạt động mua bán con giống, thức ăn, vật tư cũng như tôm thu hoạch giữa các công ty và người nuôi có trở ngại do qua nhiều khâu trung gian. Công ty Tepbac đã thành lập sàn giao dịch để việc mua bán trở nên dễ dàng hơn và mang lại lợi ích cho cả hai bên. Để có nguồn vốn cho hoạt động của công ty, Tepbac đã tham gia dự thi và đoạt giải các cuộc thi khởi nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh cũng như vốn tài trợ từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp của nước ngoài như AquaSpark và AgFunder. Tepbac còn thực hiện các mô hình nuôi tôm không sử dụng kháng sinh như một trình diễn cho nuôi tôm sạch.
Trong điều kiện của nước ta, việc hiện thực hóa các mơ ước của bản thân và đội ngũ nhân lực của Công ty Tepbac để đóng góp cho sự phát triển nuôi tôm nói riêng và nuôi trồng thủy sản nói chung không phải là điều dễ dàng. Nhưng tôi tin rằng Phong và các cộng sự của mình vẫn sẽ kiên định với con đường mình đã chọn. Chúc Phong và Công ty Tepbac có những thành công mới và đóng góp nhiều hơn cho ngành thủy sản nước nhà.
Nguyễn Văn Tư (Cựu SV và cựu GV KTS)