BAN GIẢNG HUẤN VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC ĐẠI HỌC NÔNG LÂM TPHCM TRONG HAI MƯƠI NĂM ĐẦU CỦA TRƯỜNG

Đại học Nông Lâm xuất thân từ Trường Quốc gia Nông Lâm Mục Blao được thành lập do nghị định 112-BCN/NĐ ngày 19 tháng 11 năm 1955.        

Từ ngày thành lập cho đến nay trường đã trải qua nhiều lần thay đổi danh xưng: Trường Quốc gia Nông Lâm Mục Blao, Trường Cao đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn, Trung tâm Quốc gia Nông nghiệp, Học viện Quốc gia Nông nghiệp, Đại học Nông nghiệp thành viên Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức, Đại học Nông nghiệp IV, Đại học Nông lâm Thành phố Hồ chí Minh.

Trong suốt nửa thế kỷ, bảy lần thay tên, nhưng tên trường vẫn luôn giữ cái cội nguồn lúc mới thành lập, đó là cái gốc nông nghiệp trong danh xưng.

Mặc dù nghị định thành lập trường được ban hành từ năm 1955 nhưng phải đợi bốn năm sau, năm 1959, khi các giảng đường, phòng thí nghiệm, nông trại, cư xá sinh viên được xây dựng khang trang và quan trọng hơn hết là đội ngũ giảng viên được tăng cường đầy đủ, trường mới chiêu sinh khóa đào tạo kỹ sư nông nghiệp đầu tiên. Trong bốn năm sau đó, Trường đã đào tạo được hai khóa kiểm sự, khóa thứ ba đang đi thực tập tốt nghiệp, khóa thứ tư đang theo học năm thứ hai tại trường, khóa thứ năm vừa mới tuyển và bắt đầu nhập học năm thứ nhất tại trường.

Để chuẩn bị cho chương trình đào tạo kỹ sư nông nghiệp Ban Giám đốc trường đã có những bước đi rất thận trọng : xây dựng trường sở khang trang, đội ngũ giáo viên hung hậu, tài giỏi, trình độ quốc tế, có uy tín trong giới đại học quốc tế.

Một năm trước ngày khai giảng khóa đào tạo kỹ sư đầu tiên, GS BS Đặng Quan Điện sang Pháp, sau khi thăm các trường Đại học Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thú Y Pháp, được các trường và Chính phủ Pháp đồng ý viện trợ, cam kết sẽ cử các giáo sư có uy tín sang giảng tại Bảo Lộc, Ban Giám đốc trường lúc đó mới có quyết định chiêu sinh.

Trúng tuyển vào trường thời bấy giờ là những sinh viên ưu tú, trải qua một kỳ thi tuyển cam go sau khi tốt nghiệp Tú tài toàn phần. Hai mươi lăm sinh viên giỏi nhất ngành Nông khoa, mười năm sinh viên giỏi nhất ngành Lâm khoa và hai mươi sinh viên giỏi nhất ngành Súc khoa được tuyển chọn vào trường.

Tiếng Pháp là chuyên ngữ được sử dụng để giảng dạy trong bốn khóa đào tạo kỹ sư đầu tiên.

Chương trình đào tạo kỹ sư của trường thời bấy giờ là chương trình đào tạo tinh hoa : Đội ngũ giáo sư giỏi, trình độ quốc tế, sinh viên ưu tú, hiếu học, trường sở, phòng thí nghiệm, nông trại, thư viện được trang bị đầy đủ, môi trường học tập tốt.   

Lúc khởi đầu ngoài bốn chuyên gia đầu đàn gắn bó với trường, Bác sĩ Vũ Ngọc Tân, GS BS Đặng Quan Điện, GS Lê Văn Ký, GS Bùi Huy Thục, trường còn có một đội ngũ giáo sư quốc tế hùng hậu thường trú tại Bảo Lộc gồm Tiến sĩ Maurice Schmidt (Pháp), giáo sư Tixier (Pháp), Tiến sĩ Stevens (Mỹ), giáo sư Hoenninger (Đức), Tiến sĩ Pecrot (Bỉ).

Để giảng dạy các môn khoa học cơ bản và cơ sở, ngoài bốn giáo sư Việt Nam và quốc tế thường trú tại trường : Bác sĩ Vũ NgọcTân phụ trách môn Động vật học, giáo sư Tixier phục trách môn Thực vật học, Tiến sĩ Stevens phụ trách môn Kinh tế đại cương và Xã hội học, Tiến sĩ Maurice Schmidt phụ trách các môn Địa chất – Thổ nhưỡng, Khí hậu học, giáo sư Bùi Huy Thục và Maurice Schmidt môn Nông học đại cương, giáo sư Lê Văn Ký và giáo sư Rocher phụ trách môn Lâm học đại cương, giáo sư Đặng Quan Điện phụ trách môn Súc học đại cương, Kỹ sư Lê Văn Tâm phụ trách môn Hóa phân tích, Trường còn mời thỉnh giảng giáo sư Tiến sĩ Lâm Chánh Bình (Đại học Khoa học Sài Gòn) phụ trách môn Hóa học đại cương, Hóa Hữu cơ, Kỹ sư Trần Văn Bạch phụ trách các môn Toán, Lý. Trường cử anh Lê Ngọc Điệp trợ lý cho giáo sư Tixier, anh Huỳnh Quang Hải trợ lý cho Bác sĩ Vũ Ngọc Tân, Kỹ sư Phan Như Hy và anh Trần Trung Ngôn trợ lý cho Tiến sĩ Stevens, anh Nguyễn Hoài Đỉnh trợ lý cho giáo sư Maurice Schmidt, anh Lê Thiệp trợ lý cho Tiến sĩ Hoenninger.

Lên đến năm thứ hai và năm thứ ba, ngoài các chuyên gia đầu đàn của Việt Nam: Bác sĩ Vũ Ngọc Tân, GS BS Đặng Quan Điện, GS Tôn Thất Trình, Bác sĩ Tôn Thất Ngữ, Bác sĩ Lê Thước, Bác sĩ Nguyển Văn Trình, Nguyễn Văn Tư, GS Lê Văn Ký, GS Lê Văn Mười, kỹ sư Nguyễn Văn Đức, kỹ sư Trương Văn Hiếu, GS Bùi Huy Thục, kỹ sư Đoàn Minh Quan, kỹ sư Nguyễn Văn Oánh, kỹ sư Nguyễn Văn Hiệp, kỹ sư Lương Sĩ Chương, một số các môn học được các giáo sư Mỹ, Pháp, Đức, Bỉ, thường trú tại trường đảm trách. Đó là các GS Maurice Schmidl, giáo sư Tixier, Tiến sĩ Stevens, Hoenniger, Tiến sĩ Pecrot.

Chính phủ Pháp đã cử giáo sư Robert Barone, giáo sư Jack Bost, giáo sư Jacques Euzéby, giáo sư Joubert, giáo sư Henri Drieux, giáo sư Gaury, giáo sư Macari, giáo sư Common, giáo sư Jolly, giáo sư Guichon, giáo sư Rollet, giáo sư Mauraud, giáo sư Chardin, sang giảng dạy tại trường.

Các giáo sư được cử sang Việt Nam giảng dạy là các giáo sư danh tiếng không những được kính trọng tại Pháp mà còn rất nổi tiếng trong đại học quốc tế, đã từng có nhiều kinh nghiệm tại các nước nhiệt đới, nhiều vị đã từng thực hiện nhiều công trình nghiên cứu tại Việt Nam.

Các trường đại học Pháp đã cử nhiều giáo sư sang giảng dạy tại trường trong bốn khóa đầu.

Bắt đầu từ khóa Năm (năm 1963) tiếng Việt được sử dụng làm chuyên ngữ chính ở đại học. Tuy nhiên, đối với các giáo sư ngoại quốc, tiếng Pháp vẫn được sử dụng để giảng dạy.

Đội ngũ cán bộ giảng dạy tại trường dần dần lớn mạnh với nhiều chuyên viên danh tiếng của Bộ Canh Nông chuyển về trường trong đó có giáo sư Tôn Thất Trình, giáo sư Ngô Bá Thành, Bác sĩ Tôn Thất Ngữ, kỹ sư Nguyễn Phố Lu, kỹ sư Nguyễn Hữu Mưu và nhất là sự trở về của nhiều nhà khoa học trẻ tốt nghiệp từ Pháp và Mỹ tham gia công tác giảng dạy thường trực tại trường.

Các phái đoàn Pháp được cử sang giảng dạy tại trường thưa dần. Chính phủ Pháp đã cử các chuyên gia: kỹ sư YvesBanchi, GS TS Denis Nguyễn Phước Du, Kỹ sư Trần Văn Nhiều, GS Lamy, giáo sư Perpezat, GS Roth, kỹ sư Durand, kỹ sư Didier sang làm việc thường trú tại trường.

Từ năm 1964, nhiều Tiến sĩ, Thạc sĩ, Bác sĩ, Kỹ sư đã hoàn thành chương trình đào tạo tại Pháp, tại Mỹ trở về tăng cường cho Ban giảng huấn của trường. Từ Pháp về có có Tiến sĩ kỹ sư Nguyễn Võ Mỹ, kỹ sư Lucien Trọng. Từ Mỹ trở về có Bác sĩ Trần Quang Minh, Bác sĩ Nguyễn Thành Hải, Thạc sĩ Châu Văn Khê, Thác sĩ Nguyễn Văn Tân, Tiến sĩ Châu Tâm Luân, Tiến sĩ Bùi Văn Trợ, Thạc sĩ Trần Trọng Toàn.

Bắt đầu từ năm 1970, nhiều Tiến sĩ, Thạc sĩ, kỹ sư tốt nghiệp ở Đức, Nhật, Úc, Tân Tây Lan, Canada, đã về nước tăng cường cho đội ngũ cán bộ giảng dạy của trường. Trong số các chuyên viên này có Thạc sĩ Lê Văn Phong, Thạc sĩ Dương Đình Học (K.6), Thạc sĩ Lương Tấn Tước, Thạc sĩ Lê Ngọc Chí Minh (K.7), Tiến sĩ Tô Phúc Tường, Tiến sĩ Phan Hoàng Đồng, Tiến sĩ Trương Hoàng Lâm, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, kỹ sư Đặng Ngọc Sơn, Thạc sĩ Lê Dưng Dân, kỹ sư Trần Văn Duơng, kỹ sư Huỳnh Văn Quang tham gia ban giảng huấn của trường, phụ trách phòng thí nghiệm Hóa đất đai.

Nhưng nguồn nhân lực đông nhất là các tân kỹ sư của trường. Các thủ khoa các á khoa các khóa khi vừa mới tốt nghiệp đều được trường giữ lại để làm cán bộ giảng dạy và nghiên cứu.Từ khóa đầu tiên cho đến khóa 12 tốt nghiệp vào năm 1974 đã có hơn bảy mươi kỹ sư Nông khoa, Lâm khoa, Súc khoa, được tuyển dụng vào ban giảng huấn của trường:

Ngành Nông khoa có các kỹ sư Nguyễn Lương Y (K.1), Nguyễn Đăng Long (K.1), Nguyễn Bích Liễu (K.2), Lâm Văn Thương (K.2), Dương Văn Đức (K.3), Trần Như Long (K.3) Lê Nguyên Khôi (K.3) Văn Khắc Thái (K.3), Nguyễn Ru (K.4), Võ Hữu Để (K.5), Nguyễn Bá Khương (K.5), Hồ Văn Lâm (K.5), Hàng Ngọc Ẩn (K.6), Võ Thị Hải (K.6), Nguyễn Thị Phụng (K.6), Nguyễn Ngọc Sâm (K.6), Thế Thị Hợi (K.7), Võ Thị Phương Lan (K.7) Lưu Trường Kiện (K.7), Trần Minh Tiên (K.8), Đổ Cao Thiện (K.8), Hồ Thại (K.8), Nguyễn Hoàng Hoanh (K.9),Trần Kiều Nga (K.10), Nguyễn Văn Tài (K.10), Dương Đình Hội (K.10), Lý Trung Di (K.11), Lý Hồng Sơn (K.11), Phan Gia Tân (K.11), Tạ Trung Chánh (K.12), Huỳnh Thành Nghiệp (K.12), Huỳnh Lệ Nguyên (K.12), Nguyễn Văn Thiện (K.8), Nguyễn Vác (K.11), Trần Ngọc Lâm (K.12), Lê Ấn.

Ngành Lâm khoa có các kỹ sư Đổ Cao Thọ (K.1), Đào Văn Tư (K.1), Vũ Văn Cử (K.4), Lâm Bỉnh Lợi (K.4), Trần Hữu Trác (K.4), Hồng Văn Huỳnh (K.5), Nguyễn Tấn Văng (K.6), Võ Văn Thoan (K.8), Nguyễn Văn Thừa (K.8), Nguyễn Đức Bình (K.10), Nguyễn Văn Sở (K.10), Hoàng Hữu Cải (K.11), Châu Quang Hiền (K.12), Lê Văn Minh (K.12), Lê Hữu Đức (K.12), Phạm Bá Thành (K.11).

Ngành Súc Khoa có các kỹ sư Lưu Trọng Hiếu (K.1), Nguyễn Đình Nghiêm (K.1), Ngô Thị Ngọc Diệu (K.3), Đặng Đắc Thiện (K.3), Nguyễn Thúy Minh (K.6), Nguyễn Thị Nữ (K.6), Đặng Thị Sở (K.6), Trần Quốc Thăng (K.7), Trần Ngọc Đảng (K.8), Võ Văn Kiều (K.8), Phan Ngọc Sang (K.8), Huỳnh Văn Xương (K.8), Nguyễn Văn Tú (K.9), Lê Đăng Đảnh (K.10), Bùi Huy Như Phúc (K.10), Trịnh Công Thành (K.10), Nguyễn Văn Công (K.11), Phan Đức Duy (K.11), Lương Hà (K.11), Ngô Văn Mận (CT.K.2), Phạm Ngọc Thơ (K.11), Nguyễn Văn Gắt (K.12), Phan Thanh Hồng (K.12), Nguyễn Văn Khanh (K.12), Nguyễn Trọng Khôi (Dược sĩ), Trần Văn Phát (K.12), Trần Trọng Chơn (K.12), Phạm Chí Thành (K.11), Đổ Đình Hòa (K.11), Nguyễn Bích Nga (K.11).

Trong những năm 70 của thế kỷ trước, Kỹ sư Bùi Như Hùng từ Viện Khảo cứu Nông nghiệp, Thạc sĩ Lê Da Tốn từ Bộ Canh Nông, Bác sĩ Phạm Hùng, Bác sĩ Vương Quang Phước, từ Nha học vụ Nông Lâm Súc và Kỹ sư Phạm Minh Xuân (K.12), cũng về tham gia Ban giảng huấn của trường.

Đồng thời với việc giữ lại các kỹ sư trẻ mới tốt nghiệp, trường cũng rất quan tâm đến việc xây dựng ngành Khoa học cơ bản. Cùng với việc tuyển dụng sáu tân khoa khóa 1, Cử nhân Phạm Thị Ngọc Chinh tốt nghiệp Đại học Khoa học Sài Gòn cũng được tuyển dụng vào trường phụ trách ngành Khoa học cơ bản. Lần lượt từ năm 1965 đến 1970 tám cử nhân trẻ Toán, Lý, Hóa, Vạn vật được tuyển dụng, tám cử nhân trẻ này gồm có Cử nhân Ngô Huy Cần, Hà Dương Cự, Trần Tấn Đức, Phạm Thị Lộc, Trần Lê Nhân, Trần Hữu Tiếng, Nguyễn Hoài Chung và Nguyễn Tần. Đại học Khoa học Sài Gòn không những là trường cung cấp cho trường chúng ta một đội ngũ cử nhân trẻ, tài năng, mà còn cử nhiều giáo sư đầu đàn của trường sang giảng dạy các môn Khoa học cơ bản, cơ sở tại trường chúng ta. Trong các giáo sư, các Tiến sĩ, các Thạc sĩ nầy chúng ta thấy có giáo sư Tiến sĩ Phùng Trung Ngân, giáo sư Tiến sĩ Chu Phạm Ngọc Sơn, giáo sư Tiến sĩ Mai Trần Ngọc Tiếng, Tiến sĩ Lê Công Kiệt, Tiến sĩ Đồng Sĩ Khiêm, Tiến sĩ Phó Đức Minh, Thạc sĩ Hoàng Mạnh Để, Thạc sĩ Bùi Thúc Thủy, Thạc sĩ Lê khắc Tích, Thạc sĩ Trần Thị Vinh, Cử nhân Đặng Vĩnh Thanh.

Giáo sư Tiến sĩ Phùng Trung Ngân không những là giáo sư thỉnh giảng của trường trong nhiều năm mà còn tham gia lãnh đạo trường, giáo sư đã từng là Giám đốc Trung tâm Quốc gia Nông nghiệp từ tháng 2 đến tháng 5 năm 1970.

Đại học Kỹ thuật Phú Thọ cũng là trường cung cấp cho trường một lực lượng giảng viên hùng mạnh. Các Kỹ sư Đồng Công Quan, Đoàn Thành Trung tốt nghiệp Kỹ sư công nghệ đã được tuyển dụng vào giảng dạy tại ngành Công thôn. Trường Đại học Phú Thọ cũng đã cử gần mười giảng viên thỉnh giảng sang dạy tại trường chúng ta trong đó có các Kỹ sư Nguyễn Hữu Bình, Vũ Ngọc Can, Nguyễn Thị Hiệp, Nguyễn Duy Thu Lương, Nguyễn Như Mộng, Phùng Lương Ngọc, Nguyễn Thành Ngưu, Phạm Hữu Tạt, Tôn Thất Thiều, Vĩnh Tiến, Phạm Văn Sanh.

Đại học Luật khoa đã cử Tiến sĩ Châu Tiến Khương, Tiến sĩ Nguyễn Trường sang giảng dạy các môn Kinh tế tại trường chúng ta.

Cũng ngay sau năm năm đầu, sau khi khai giảng khóa đào tạo kỹ sư đầu tiên, Trường đã nhanh chóng cử các giảng viên sang Mỹ, Pháp, Nhật, Úc, Philipinnes, Thái Lan để đào tạo.

Năm 1963, Kỹ sư Lê Văn Ký đã được cử đi đào tạo sau đại học tại Đại học Wisconsin Mỹ.

Hai năm sau (1965), Kỹ sư Lưu Trọng Hiếu và Kỹ sư Nguyễn Đăng Long tiếp tục lên đường sang Mỹ để theo học các chương trình đào tạo MSc và PhD. Lần lượt các Kỹ sư Nguyễn Bích Liễu, Ngô Thị Ngọc Diệu, Kỹ sư Nguyễn Đình Nghiêm, Kỹ sư Nguyễn Phố Lu, Kỹ sư Lâm văn Thương, Thạc sĩ Châu Văn Khê, Thạc sĩ Nguyễn Văn Tân tiếp tục lên đường sang Mỹ theo học các chương trình đào tạo MSc và PhD. trong hai năm sau đó 1966,1967.

Giáo sư Lê Văn Ký  hoàn thành chương trình Thạc sĩ trong 14 tháng, trở về Việt Nam năm 1964, Thạc sĩ Nguyễn Phố Lu trở về trường năm 1969, Tiến sĩ Lưu Trọng Hiếu trở về trường năm 1969, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Long trở về trường năm 1970, Tiến sĩ Nguyễn Bích Liễu năm 1971, Tiến sĩ Châu Văn Khê năm 1971, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tân năm 1973, Tiến sĩ Lâm Văn Thương năm 1974.

Đồng thời từ năm 1969 đến 1975, trong khuôn khổ hợp tác giữa Đại học Florida với trường chúng ta, lần lượt nhiều giảng viên trẻ đã lên đường sang Florida để theo học các chương trình Thạc sĩ và Tiến sĩ. Trong các giảng viên trẻ nầy có các Kỹ sư Lê Nguyên Khôi, Văn Khắc Thái, Trần Như Long, Dương văn Đức, Nguyễn Ru, Hồ Văn Lâm, Võ Hữu Để, Nguyễn Bá Khương, Hàng Ngọc Ẩn, Lưu Trường Kiện, Đặng Đắc Thiệu, Trần Quốc Thăng, Đặng Thị Sở, Võ Văn Kiều, Trần Trọng Toàn, Lê Da Tốn, Trần Hữu Trác, Hồng Văn Huỳnh, Trần Lê Nhân, Ngô Huy Cần, Hà Dương Cự.

Tiến sĩ Trần Trọng Toàn và Tiến sĩ Đặng Đắc Thiệu hoàn tất chương trình PhD. sớm nhất trở về nước năm 1974 và đầu năm 1975.

Trường còn tranh thủ nguồn học bổng của Chính phủ Pháp, đã cử Kỹ sư Võ Thị Hải và Kỹ sư Đỗ Cao Thiện sang Pháp theo học chương trình đào tạo Thạc sĩ.

Trường cũng cử Kỹ sư Thế Thị Hợi sang Nhật học Kinh tế Nông nghiệp. Các Kỹ sư Võ Thị Phương Lan và Kỹ sư Võ Văn Thừa được cử sang Úc học về Côn trùng học và Lâm nghiệp.

Kỹ sư Nguyễn Hoàng Hoanh được cử sang Đại học Philipines tại Los Banos để đào tạo MSc và PhD trong khuôn khổ của chương trình SEARCA.

Các Kỹ sư Nguyễn Thúy Minh, Phạm Ngọc Sang, Huỳnh Văn Xương, được cử sang Đại học Chulalongkan để đào tạo Bác sĩ Thú y, DVM.

Năm 1959, đồng thời với việc tuyển sinh vào khóa 1 chương trình đào tạo kỹ sư Nông Lâm Súc, trường cũng tuyển chọn các ứng viên đi du học tại Mỹ. Sau khi trúng tuyển, một số ứng viên đã lên trường theo học năm thứ nhất tại Bảo Lộc để chờ ngày lên đường sang du học tại Mỹ. Trong số các ứng viên nầy có các anh Dương Trung Hưng, Nguyễn Văn Tân, Nguyễn Văn Tiên, Trần Trọng Toàn.

Một số ứng viên khác ở lại Sài Gòn để học Anh văn trong khi chờ ngày lên đường sang Mỹ du học. Các anh Vương Quang Hải, Châu Văn Khê, Châu Tâm Luân, Nguyễn Văn Tài, đã lên đường sang Mỹ vào năm 1959. Các anh Nguyễn Thành Hải, Trần Quang Minh, Ngô Đình Ngoan, Nguyễn Văn Hỷ, Phạm Phi Hoành, lên đường sang Mỹ sớm hơn.

Năm 1959 anh Nguyễn Viết Trương bạn đồng của tôi ở trung học Petrus Ký được học bổng của Chính phủ Úc lên đường sang Úc học tại Đại học Queensland, tốt nghiệp PhD vào năm 1968, trở về nước xây dựng Khoa Nông nghiệp Viện Đại học Cần Thơ.

Các sinh viên trung đẳng khóa 1, khóa 2, khóa 3, sau khi tốt nghiệp kiểm sự cũng được gửi sang Mỹ du học tiếp chương trình đào tạo BSc và một số đạt thành tích xuất sắc trong học tập được tiếp tục học lên MSc. Trong số các ứng viên nầy có các anh, các chị Phan Ngọc Châu, Nguyễn Quý Định, Lê Viết Dự, Lê Vinh Qui, Nguyễn Đình Mô, Nguyễn Văn Tràng, Phí Minh Tâm, Hoàng Vũ, Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Thị Nghệ, Châu Văn Hạnh, Nguyễn Văn Hành, Nguyễn Thanh Tân, Vũ Quốc Dũng, Tống Ngọc Tiên, Lê Ngọc Diệp, Nguyễn Hoài Đỉnh, Nghiêm Xuân Thịnh, Nguyễn Thị Kỉnh.

Đầu thập niên 50 các thầy Nguyễn Văn Mừng, Trương Đình Phú, cô Nguyễn Thị Quýt cũng đã lên đường sang Mỹ du học.

Không những gửi giáo viên sang Mỹ, Pháp, Nhật, Úc, Philippines, Thái lan trường còn tranh thủ chương trình học bổng SEARCA của Tổ chức Hội đồng các Bộ Trưởng Giáo dục Đông Nam Á SEAMEO gửi các sinh viên sang Đại học Philippines tại Los Banos để đào tạo MSc và PhD .

Các sinh viên được hưởng học bổng này gồm các anh chị Pham Ngọc Hiệp, Nguyễn Tri Khiêm, Cao Minh Thư, Lý Tửng, Phan Hiếu Hiền, Nguyễn Văn Ngưu, Bùi Xuân, Nguyễn Tịnh, Nguyễn Thị Hoàn, Nguyễn Thị Sâm, Nguyễn Đức Cao, Trần Văn Trung, Lê Trọng Trung, Nguyễn Thái Vân, Phan Quang Vinh, Trương Văn Đến, Nguyễn Thị Tuyền, Lâm Hổ, Phạm Thọ Hiếu, Cao Văn Quảng, Hoàng Chí Cường, Lê Ngọc Sên.

Ngay từ đầu mới thành lập trường rất quan tâm đến việc đào tạo các kỹ sư Nông nghiệp có trình độ, có năng lực góp phần vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp khi hòa bình trở lại trên quê hương.

Trường luôn luôn tranh thủ mọi nguồn tài trợ để đào tạo nhân tài cho đất nước và chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy được trường quan tâm hàng đầu.

Qua bảng danh sách các cán bộ của trường trong năm học 1971-1972 mà tôi có được chúng ta thấy được thực lực của ban giảng huấn của trường thời đó và chúng ta cũng thấy được mối quan tâm của trường trong việc xây dựng một đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ cao.

Khi viết bài này tôi cố gắng tìm lại trong ký hình ảnh của từng giảng viên đã từng giảng dạy ở trường, tôi cố nhớ từng chi tiết sự việc, những chuyện của bốn mươi năm, năm mươi năm về trước khó có thể nhớ cho hết, mà có nhớ chắc không sao tránh khỏi sơ suất, sai sót, nhầm lẫn, tôi mong được các bạn thông cảm.

Viết về giai đoạn hai mươi năm lúc mới thành lập trường có lẻ hiện nay còn rất ít chứng nhân còn nhiều ký ức về giai đoạn nầy.

Năm 1975 sau khi chiến tranh chấm dứt, hòa bình trở lại trên quê hương, Đại học Nông nghiệp Thủ Đức đứng trước tình trạng băng não, chảy máu chất xám trầm trọng. Nhiều cán bộ giảng dạy, nhất là những con chim đầu đàn đã từ giã trường rờI, xa quê hương sống tha phương nước ngoài.

Nhiều giảng viên đã được điều động từ các trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Hà Bắc, Bắc Thái vào nam tăng cường Ban giảng huấn

Nhiều tân kỹ sư tốt nghiệp các khóa 13,14,15,16 và nhiều khóa sau nầy được tuyển dụng với số lượng lớn, hàng năm từ 10 đến 20 cán bộ trẻ được giữ lại trường để giảng dạy hoặc nghiên cứu.

Trường không những giữ lại các sinh viên ưu tú của trường mà trường còn tuyển dụng sinh viên của Đại học Tổng hợp, Đại học Bách khoa, Đại học Dược khoa về tăng cường Ban giảng huấn. Số giảng viên cơ hữu của trường càng ngày càng gia tăng, hiện nay lên đến 574 gồm 16 Phó giáo sư, 76 Tiến sĩ, 202 Thạc sĩ, 226 Kỹ sư hoặc Cử nhân.

Thông qua con đường hợp tác quốc tế và thông qua quỹ đào tạo nước ngoài bằng kinh phí nhà nước trường tiếp tục phát triển nguồn nhân lực của trường như đã được đề cập trong phần hợp tác quốc tế của trường.

Nói về giảng viên trẻ của thập niên sáu mươi thế kỷ trước chúng ta không thể nào quên các anh Nguyễn Lương Y và anh Nguyễn Võ Mỹ bạn tôi, những người đã nêu tấm gương luôn phấn đấu vươn lên và tấm lòng vị tha luôn nghĩ đến người khác và nay hai anh đã đi xa khi tuổi vừa ngoài ba mươi.

Anh Nguyễn Lương Y đỗ vào trường khoá 3 Trung đẳng năm 1957. Trong quá trình học tập ở trường anh nhờ các thầy chỉ giáo tự ôn tập và thi đổ Tú tài Toàn phần và đăng ký dự thi vào cấp Cao đẳng. Với học lực của anh có thể sau khi tốt nghiệp Trung đẳng anh sẽ được Trường đề cử sang Mỹ học, nhưng anh đã chọn theo học Kỹ sư trong nước. Và anh đã đỗ vào khoá 1 Cao đẳng. Cũng như các sinh viên tốt nghiệp từ các trường  Trung học đào tạo theo chương trình Việt, tiếng Pháp của anh không giỏi như các anh chị học các trường Jean Jacques Rousseau, MarieCurie, Tabert, Couvent des Oiseaux, Yersin và trong thời gian học cấp trung học cơ sở anh lại học ở nông thôn các tỉnh miền Duyên Hải, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nam Ngãi Bình Phú chịu nhiều thiệt thòi hơn học sinh các trường ở các đô thị lớn ở miền Nam, nhưng anh đã có nhiều cố gắng, tự lực vươn lên phi thường để rồi khi tốt nghiệp ra trường anh đỗ thủ khoa ngành Nông khoa, viết một luận trình về Cao su do KS Poliniere ở Viện Cao su Lai Khê hướng dẫn. Anh đã bảo vệ luận trình xuất sắc, được Trường giữ lại làm giảng nghiêm viên tức trợ lý giảng dạy. Do tình trạng tổng động viên anh phải nhập ngũ và được huấn luyện tại trường Bộ binh Thủ Đức. Không ai ngờ rằng anh đã văn hay mà võ cũng giỏi. Anh đã đỗ thủ khoa khóa 16 trường Bộ binh Thủ Đức. Anh tham gia cách mạng và tổ công tác của anh bại lộ, Anh bị bắt, trên đường đưa anh từ Quảng Nam (quê anh) ra Đà Nẵng xe chở anh trúng mìn và anh đã hy sinh. Tôi không bao giờ quên người bạn dễ thương, dễ mến luôn luôn giúp đỡ mọi người, một con người của hòa giảI, ngoài tính hiếu học và ý chí luôn luôn vươn lên của anh.

Người bạn thứ hai mà tôi không bao giờ quên , anh Tiến sĩ KS Nguyễn Võ Mỹ. Anh đã đi du học ở Pháp, tốt nghiệp Tiến sĩ Kỹ sư Học Viện Quốc Gia Nông học Paris Grignon trở về nước lúc tuổi vào khoảng ba mươi. Anh là một Tiến sĩ Nông học trẻ có trình độ, học thức cao, người nho nhã, lịch sự, dễ thương, đối xử với anh em trẻ với tất cả tấm lòng của một người anh. Anh ăn nói thật nhỏ nhẹ và rất thương sinh viên. Cũng như anh Nguyễn Lương Y do tình trạng tổng động viên anh phải nhập ngũ.

Năm Tết Mậu Thân anh trực ở một đồn ở gần trường đua Phú Thọ quận 11. Thật ra hôm mồng một tết không phải ngày trực của anh nhưng vì có người bạn trẻ cũng thuộc gia đình nông nghiệp vừa mới lập gia đình nên anh bảo anh bạn để anh gác thay cho. Trong đợt tổng tấn công xuân Mậu Thân đồn của anh bị pháo kích dữ dội. Anh đã bị trúng thương và được đưa vào bênh viện giải phẫu. Tưởng rằng thoát khỏi cơn hiểm nguy anh sẽ bình phục nào ngờ anh mất vì nhiễm trùng uốn ván do hậu phẫu không được quan tâm kỹ lưỡng. Vì lòng vị tha thương người, luôn nghỉ đến người khác anh đã hy sinh

Lúc đó tôi đang học bên Mỹ. Được tin hai người bạn thân gục ngã tôi cầu mong sao đất nước được sớm thanh bình. Và hòa bình đã đến, đến mười năm sau đó.

Anh Nguyễn Lương Y, anh Nguyễn Võ Mỹ những người con ưu tú của trường đã nêu những tấm gương luôn phấn đấu không ngừng vươn lên, có con tim nhân hậu, tấm lòng vị tha bác ái mà chúng ta cần học tập và trường chúng ta không bao giờ quên hai anh.

Tôi đến với trường từ thuở trường mới thành lập nên tôi được biết nhiều về trường, tôi hay viết về chuyện thuở xưa, chuyện ngày xửa, ngày xưa. Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy ngàn năm nào dễ mấy ai quên nên tôi mãi đi tìm, tìm về quá khứ, tìm về giữa giấc mơ xưa, tìm về một thời vang bóng.

Nhiều bạn trẻ khuyên tôi đừng níu kéo thời gian, quá khứ đã qua rồi hãy để nó chìm trong quên lãng, nhớ thương cũng hoài công thôi, hãy hướng về tương lai. Tương lai nhiều hứa hẹn hơn, tương lai đầy sáng lạn hơn, tương lai rực rỡ hơn, tương lai huy hoàng hơn. Anh em trẻ là người quyết định tương lai nên theo lời khuyên của anh em trẻ mà tìm đường về tương lai.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *